porno porn

PostHeaderIcon 5 Điểm mới Doanh nghiệp cần lưu ý khi công bố thông tin

Theo đánh giá của Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE), số doanh nghiệp nộp đúng hạn báo cáo tài chính (BCTC) đã tăng lên đáng kể sau 2 quý thực hiện quy định mới tại Thông tư 52/2012/TT-BTC. Báo ĐTCK đã trao đổi với bà Phan Thị Tường Tâm, Tổng giám đốc HOSE về vấn đề này.

Thu Hương

Sở đánh giá thế nào về việc thực hiện công bố BCTC của doanh nghiệp niêm yết (DNNY) trong quý III, quý thứ 2 thực hiện công bố thông tin (CBTT) theo Thông tư 52, thưa bà?

Đến cuối giờ chiều ngày 19/11/2012, trên HOSE chỉ còn một công ty chưa công bố BCTC cho giai đoạn từ 1/7/2012 – 30/9/2012 và UBCK hiện đang xem xét đơn xin tạm hoãn CBTT của công ty này.

Theo số liệu thống kê của HOSE, tình hình chậm nộp BCTC đã giảm hẳn kể từ ngày thực hiện quy định mới tại Thông tư 52/2012/TT-BTC hướng dẫn CBTT trên TTCK. Cụ thể, đối với DNNY không có đơn vị kế toán trực thuộc và không có công ty con (thời hạn công bố BCTC là 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý), tỷ lệ doanh nghiệp công bố BCTC đúng hạn đã tăng từ 78,1% ở kỳ kế toán kết thúc ngày 30/6/2012 lên mức 98,2% ở kỳ kế toán kết thúc ngày 30/9/2012. Tỷ lệ doanh nghiệp bị nhắc nhở chậm CBTT cũng giảm từ 4,8% xuống 1,8%.

Tương tự, đối với DNNY có đơn vị kế toán trực thuộc và/hoặc công ty con (thời hạn công bố BCTC công ty mẹ và BCTC tổng hợp và/hoặc BCTC hợp nhất là 45 ngày kể từ ngày kết thúc quý), tỷ lệ doanh nghiệp công bố BCTC đúng hạn cũng tăng từ 50,5% lên 81,1% và tỷ lệ công ty bị nhắc nhở vi phạm giảm từ 11,1% xuống 1,5%. Như vậy, mặc dù thời gian CBTT rút ngắn 5 ngày so với quy định trước đây, nhưng việc thay đổi thời hạn công bố BCTC theo quy mô công ty (có công ty con và đơn vị kế toán trực thuộc có thời hạn công bố dài hơn) đã góp phần cải thiện tình hình chậm nộp BCTC của các DNNY trên HOSE.

Qua theo dõi giám sát doanh nghiệp 2 quý qua, Sở có lưu ý các quy định mới nào của Thông tư 52 mà doanh nghiệp cần chú ý để thực hiện tốt hơn?

Thông tư 52 có rất nhiều điểm mới mà các DNNY cần lưu ý thực hiện tốt hơn.

Thứ nhất, Thông tư phân nhóm lại các DNNY theo quy mô công ty (có công ty con và/hoặc đơn vị kế toán trực thuộc hay không) làm căn cứ quy định các loại BCTC phải nộp và thời hạn CBTT tương ứng. Nhìn chung, thời hạn công bố BCTC hàng quý đều giảm 5 ngày so với quy định trước đây. Đối với BCTC soát xét bán niên và báo cáo kiểm toán năm, thời hạn để CBTT tương ứng là 5 ngày làm việc và 10 ngày kể từ ngày tổ chức kiểm toán ký báo cáo.

Thứ hai, có thêm nhiều trường hợp DNNY phải thực hiện CBTT trong vòng 24 giờ kể từ khi phát sinh sự kiện phải CBTT như: thay đổi số cổ phiếu đang lưu hành do phát hành thêm hay mua/bán cổ phiếu quỹ; thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; công ty kiểm toán đã ký hợp đồng kiểm toán; thay đổi công ty kiểm toán; có chênh lệch số liệu tài chính do công ty phải lập theo quy định pháp luật khác so với số liệu tại BCTC được kiểm toán; kiểm toán có ý kiến ngoại trừ, không chấp nhận hoặc từ chối cho ý kiến; có kết quả điều chỉnh hồi tố BCTC…

Thứ ba, việc tạm hoãn CBTT phải được UBCK chấp thuận bằng văn bản đối với các trường hợp được xem là bất khả kháng, bao gồm thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh và những trường hợp khác được UBCK chấp thuận.

Thứ tư, rút ngắn thời gian đăng ký giao dịch của cổ đông nội bộ và người có liên quan xuống còn 30 ngày (trước đây là 2 tháng) và không được đăng ký vừa mua vừa bán trong cùng một khoảng thời gian và chỉ được đăng ký giao dịch đợt tiếp theo sau khi đã báo cáo kết thúc đợt trước đó.

Thứ năm, cổ đông lớn không cần phải CBTT trước khi thực hiện giao dịch mà chỉ phải báo cáo trong vòng 7 ngày khi trở thành hoặc không còn là cổ đông lớn và khi có thay đổi về số lượng cổ phiếu/chứng chỉ quỹ sở hữu vượt quá các ngưỡng 1%. Trường hợp cổ đông nội bộ đồng thời là cổ đông lớn thì thực hiện nghĩa vụ như cổ đông nội bộ.

Thời gian qua, Sở đã công bố văn bản nhắc nhở về một số yêu cầu CBTT với DNNY. Đây có phải là những lỗi doanh nghiệp hay mắc phải?

Cách làm của Sở là hướng dẫn, nhắc nhở doanh nghiệp thực hiện đúng trước khi họ có thể mắc vi phạm. Vì thế, nhằm hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời cho các DNNY thực hiện đúng Thông tư 52/2012/TT-BTC, HOSE đã liên tục có công văn hướng dẫn các nội dung khác nhau như về CBTT, lưu ý các vấn đề mới trong Thông tư 130/2012/TT-BTC hướng dẫn về mua lại cổ phiếu, bán cổ phiếu quỹ và một số trường hợp phát hành thêm cổ phiếu hoặc lưu ý, nhắc nhở các vấn đề mới thường bị bỏ sót. Các lưu ý đó được gửi đến DNNY, đồng thời đưa lên website của Sở.

Ngoài ra, nhằm lưu ý và cảnh báo sớm cho nhà đầu tư, HOSE luôn luôn cập nhật đầy đủ tình hình vi phạm quy định về CBTT của các DNNY, cũng như tình trạng tài chính và nguy cơ hủy niêm yết trên website của HOSE. HOSE cũng đã hoàn chỉnh Quy chế CBTT hướng dẫn chi tiết việc CBTT trên Sở Giao dịch chứng khoán, dự thảo Quy chế đang trình UBCK thông qua và dự kiến sẽ ban hành trong năm 2012.

Gần đây có trường hợp CBTT gây sự chú ý như trường hợp của CII, công ty con công bố mua lượng lớn cổ phiếu của công ty mẹ là CII. HOSE có bình luận và khuyến cáo gì về các trường hợp này?

Về tình huống của CII, vừa qua, UBCK đã có hướng dẫn trường hợp các công ty con, công ty liên kết thực hiện giao dịch cổ phiếu của công ty mẹ dẫn đến thay đổi tỷ lệ sở hữu thuộc trường hợp phải chào mua công khai thì phải thực hiện thủ tục chào mua công khai, đồng thời thực hiện CBTT về giao dịch của các bên liên quan theo đúng quy định. Như vậy, các công ty con, công ty liên kết khi thực hiện giao dịch mua cổ phiếu của công ty mẹ cần lưu ý công bố đầy đủ tỷ lệ sở hữu của nhóm công ty con, công ty liên kết và người có liên quan (nếu có) trước khi thực hiện giao dịch và dự kiến sau khi thực hiện giao dịch để làm cơ sở cho việc theo dõi giao dịch chào mua công khai.

( Nguồn : http://vacpa.org.vn )

Lần cập nhật cuối (Thứ tư, 28 Tháng 11 2012 04:33)

 
1