VietnameseKorean

PostHeaderIcon NHỮNG GIẢI PHÁP HỘI NHẬP QUỐC TẾ TRONG LĨNH VỰC KẾ TOÁN- KIỂM TOÁN Ở VIỆT NAM

Web : onthicpa.com gửi đến các bạn thông tin sau :

Những thuận lợi, khoa khăn đối với hệ thống kế toán- kiểm toán Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

Trong những năm qua, Việt Nam đã nghiên cứu và học tập nội dung các chuẩn mực kế toán và kiểm toán quốc tế để áp dụng vào thực tiễn nền kinh tế Việt Nam. Quá trình soạn thảo chuẩn mực kế toán và kiểm toán do bộ Tài chính tiến hành đã huy động và thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia từ nghiên cứu lý luận đến thực tiễn và có sự trợ giúp của các chuyên gia nước ngoài, nên công việc soạn thảo đã tiến hành nhanh chóng, đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đội ngũ những người hành nghề kế toán, kiểm toán tại Việt Nam ngày càng phát triển về lượng và có sự tiến bộ về chất. Việt Nam đã tạo được mối quan hệ với các tổ chức quốc tế, là thành viên của Liên đoàn Kế toán Quốc tế (IFAC), Liên đoàn Kế toán các nước ASEAN (AFA). Nhiều tổ chức nghề nghiệp kế toán quốc tế lớn và đang có nhiều hoạt động tích cực tại Việt Nam như ACCA, CPA Australia trong các lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tổ chức hội thảo chuyên ngành, cập nhật kiến thức cho những người làm Kế toán, Kiểm toán. Từ đó tạo lập được môi trường thông thoáng, bình đẳng và hội nhập với khu vực và thế giới.

Bên cạnh những thuận lợi trong quá trình hội nhập quốc tế, hệ thống Kế toán- Kiểm toán Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều khó khăn từ nhiều phía. Đó là hệ thống văn bản pháp luật về kế toán- kiểm toán còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa thật sự phù hợp với thông lệ quốc tế, chưa trở thành mực thước kiểm tra, kiểm soát hoạt động của kinh tế thị trường. Kế toán quản trị chưa được phát triển tại các doanh nghiệp Việt Nam mà đa số mới chỉ được áp dụng trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Việc tổ chức, chỉ đạo thực hiện của các cấp, ngành và công tác kiểm tra kế toán trong một số ngành, một số địa phương hoặc cơ sở cũng bị xem nhẹ. Đội ngũ cán bộ kế toán và phương tiện thực hành kế toán còn thiếu và yếu: Hiện nay ở một số doanh nghiệp vẫn sử dụng kế toán thủ công hoặc mới chỉ sử dụng phần mềm Excel để làm kế toán. Đội ngũ cán bộ kế toán được đào tạo để sử dụng kế toán máy chưa nhiều, nhiều người chưa nắm vững các khái niệm, quy định được đề ra trong các chuẩn mực kế toán Việt Nam, các thông lệ và nguyên tắc kế toán quốc tế.

Những thuận lợi và khó khăn kể trên đã giúp cho những nhà hoạch định, nhà quản lý, các doanh nghiệp và những người quan tâm đến hệ thống kế toán- kiểm toán Việt Nam có một cái nhìn thực tế và chính xác để đưa ra những đánh giá và giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế.

Giải pháp hội nhập quốc tế

Từ những phân tích trên, có thể thấy tiến trình hội tụ kế toán quốc tế là hướng đi tích cực đáp ứng xu hướng toàn cầu hóa kinh tế nhưng quá trình đó cũng đầy cam go và phức tạp. Trước tình hình đó, một quốc gia đang phát triển như Việt Nam không thể đứng ngoài dòng chảy hội nhập quốc tế. Song, Việt nam cần phải nhận định đúng đắn tình hình để có những lộ trình thích hợp, đáp ứng phát triển kinh tế.

Tiến trình hội nhập quốc tế của hệ thống kế toán- kiểm toán tại Việt Nam đòi hỏi nỗ lực từ phía nhà nước, doanh nghiệp và nơi đào tạo và sẽ mang lại lợi ích trực tiếp đến những thành phần này. Vì vậy, những giải pháp hội nhập sẽ được đề xuất và thực hiện đồng bộ và có sự liên kết giữa các cơ quan phụ trách Kế toán- Kiểm toán, tại doanh nghiệp và nhà trường để đạt được hiệu quả cao nhất.

Đối với Nhà nước

Đối với Nhà nước, cơ quan phụ trách Kiểm toán- Kế toán của nhà nước, các nhà chức trách cần xây dựng bổ sung một số chuẩn mực kế toán phù hợp với thực tiễn Việt Nam và chuẩn mực kế toán quốc tế.Để thực hiện được điều này, các chuyên gia kế toán hàng đầu của Việt Nam từ Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, hội nghề nghiệp, các công ty dịch vụ kế toán- kiểm toán, các trường đại học… cần phải hợp tác về mặt chuyên môn nhằm xây dựng chuẩn mực kế toán chất lượng cao. Hiện nay, thị trường tài chính Việt Nam đang có nhiều chuyển biến và phát sinh nhiều nghiệp vụ phức tạp nhưng các chuẩn mực hỗ trợ cho việc ghi nhận cho một số loại hình công cụ tài chính vẫn thiếu vắng. Đây là một minh chứng cho việc ban hành chuẩn mực kế toán hiện nay ở Việt Nam chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn. Vì vậy, giải pháp cho giai đoạn trước mắt là việc cần thiết ban hành các chuẩn mực còn thiếu so với nhu cầu thực tế, trong đó tiền đề là việc hợp tác quốc tế. Các cơ quan nhà nước cần nỗ lực hợp tác quốc tế trong việc trao đổi kinh nghiệm, cập nhật kiến thức mới; kết hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức về kế toán- kiểm toán quốc tế. Ngoài ra, các cơ quan phụ trách cần phải nỗ lực hợp tác với các tổ chức ban hành chuẩn mực của các quốc gia tiên tiến khác và tham khảo, chọn lọc thành tựu của các nước trong khu vực để áp dụng phù hợp với môi trường và quy định tại Việt Nam. Trình độ nguồn nhân lực kế toán quốc gia là cơ sở để bảo đảm sự hiểu biết và giải thích đúng đắn cũng như sự áp dụng nhất quán các chuẩn mực. Vì vậy, một giải pháp đề xuất cho việc hội nhập quốc tế của hệ thống kế toán- kiểm toán Việt Nam là xây dựng “ cơ sở hạ tầng” để phục vụ cho hệ thống đi vào hoạt động, như nâng cao trình độ của các đối tượng liên quan bao gồm các quy định về chất lượng đối tượng hành nghề, việc huấn luyện đào tạo trong quá trình làm việc, các quy định kiểm soát chất lượng kế toán. Bên cạnh đó, việc đầu tư nghiên cứu “Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực kế toán- kiểm toán- thống kê: Thực trạng và giải pháp”

Hoàn thiện các phần mềm kế toán, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng các giải pháp phần mềm cũng đóng một vai trò rất quan trong trong việc thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế.

Đối với doanh nghiệp

Các doanh nghiệp là đơn vị chịu ảnh hưởng trực tiếp của những tác động từ việc hội nhập quốc tế bao gồm làn sóng toàn cầu hóa và các giao dịch quốc tế. Vì vậy, các giải pháp hội nhập quốc tế và hệ thống kế toán- kiểm toán của doanh nghiệp Việt Nam được xét theo sự phát triển của thị trường chứng khoán, thị trường tài chính, biến động của môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Doanh nghiệp cần ủng hộ tích cực một chuẩn mực mới cũng như thiện chí thực hiện cũng với sự hỗ trợ của Ban lãnh đạo doanh nghiệp. Trước hết, đó là nỗ lực đầu tư xây dựng một đội ngũ nhân viên kế toán và tài chính có năng lực, hệ thống công nghệ có đảm bảo xử lý và lưu trữ toàn bộ dữ liệu một cách đầy đủ, chính xác, đảm bảo tuân thủ các chuẩn mực kế toán áp dụng. Bên cạnh đó, trên cơ sở luật kế toán, chuẩn mực, chế độ kế toán hiện hành, các doanh nghiệp phải tự xây dựng chính sách kế toán cho riêng mình để áp dụng cho doanh nghiệp. Đây là một khâu không thể thiếu đối với hệ thống kiểm soát nội bộ trong doanh nghiệp. Điều này giúp ban lãnh đạo doanh nghiệp sử dụng hữu hiệu vai trò, chức năng quản lý cũng như chức năng cung cấp thông tin của kế toán. Bên cạnh đó, việc đóng góp phản hồi của doanh nghiệp về những thuận lợi, khó khăn, rào cản của hệ thống kế toán- kiểm toán Việt Nam trong việc giao dịch quốc tế cho các cơ quan phụ trách và đề xuất những giải pháp tương ứng sẽ góp phần cung cấp hiện trạng thực tế của hệ thống kế toán- kiểm toán Việt Nam.

Các doanh nghiệp cần tạo điều kiện huấn luyện các nhân viên kế toán hiểu biết các chuẩn mực kế toán, các chế độ kế toán mới, các quy định về thuế hiện hành và đóng góp các ý kiến về sự ảnh hưởng của việc áp dụng các văn bản pháp quy về kế toán trong thực tế tại doanh nghiệp thông qua các tổ chức nghề nghiệp, các lớp bồi dưỡng tập huấn nghiệp vụ… Giải pháp này không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán hiện hành mà còn giúp việc lập và trình bày báo cáo tài chính trung thực, khách quan.

Đối với nơi đào tạo

Đối với nơi đào tạo như trường đại học, các tổ chức, trung tâm trong nước và quốc tế đào tạo nguồn nhân lực Kế toán- Kiểm toán, giải pháp đặt ra để thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế là thúc đẩy, chủ động xây dựng chương trình đào tạo. Nhà trường phải nghiên cứu chương trình đào tạo phù hợp thực tiễn hành nghề, tích cực trong quá trình xây dựng hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam, tích cực trao đổi và tiếp thu kinh nghiệm từ các học viên ở những quốc gia có hệ thống kế toán phát triển cũng như các tổ chức ban hành chuẩn mực quốc tế. Nhà trường cần thúc đẩy các nhóm nghiên cứu khoa học về những lĩnh vực kế toán , kiểm toán nêu trên, các sản phẩm cần được phát hành và phổ biến để làm nền tảng cho những nghiên cứu tiếp theo. Chương trình đào tạo của nhà trường về lĩnh vực kế toán cần được đổi mới theo hướng trang bị những kiến thức và kỹ năng cho học viên vừa phù hợp với thực trạng Việt Nam và chuẩn bị cho những bước tiền đề hội tụ với kế toán quốc tế. Chương trình giảng dạy, tài liệu giảng dạy nên được thiết kế lại phù hợp và có cập nhật thường xuyên các chuẩn mực kế toán ban hành. Các trường đại học, cao đẳng, các nơi đào tạo chuyên ngành… cần trở thành cầu nối giữa các doanh nghiệp và việc áp dụng các văn bản pháp quy mới về kế toán trong vai trò hướng dẫn và thu thập các ý kiến đóng góp từ phía các doanh nghiệp.

Kết luận

Hội nhập kinh tế với thế giới là xu hướng tất yếu, là đòi hỏi khách quan. Hoạt động kế toán, kiểm toán là hoạt động rất nhạy cảm và có thể ưu tiên trong quá trình hội nhập. Thuận lợi càng nhiều và thách thức càng không ít. Tuy nhiên, càng cần thấy rằng sự phát triển của kế toán với tư cách là một khoa học, một nghề và một công cụ quản lý không thể tách rời với sự phát triển môi trường kế toán. Điều đó đặt ra yêu cầu về sự phát triển đồng bộ, toàn diện và đòi hỏi nỗ lực của Nhà nước, các tổ chức nghề nghiệp trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, các cán bộ kế toán, kiểm toán và các doanh nghiệp sử dụng lao động kế toán.

Nguồn : Theo vacpa.org.vn


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
TIN TỨC NỔI BẬT
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
12A03, Tầng 12, Khu A, Tòa nhà Indochina Park Tower, Số 4 Nguyễn Đình Chiểu, P. Đakao, Quận 1, Tp. HCM
Hotline: 0935 339 669


 
THÔNG TIN THỊ TRƯỜNG

1