VietnameseKorean

PostHeaderIcon Tái cơ cấu ngân hàng: Chưa đáp ứng được mục tiêu lành mạnh hóa

Theo Báo cáo đánh giá thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế của Ủy ban Kinh tế Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 đang diễn ra ở Hà Nội, tái cơ cấu ngân hàng vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu lành mạnh hóa.

 

Chuyển biến

Tính đến tháng 10/2013, trong số 9 ngân hàng thương mại (NHTM) bị liệt vào danh sách yếu kém, đã có 8 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt và cho thực hiện phương án cơ cấu lại hoạt động; trong đó, 3 ngân hàng đã được hợp nhất, 1 ngân hàng hợp nhất với tổ chức tín dụng khác, 1 ngân hàng được sáp nhập, 3 ngân hàng được chấp thuận phương án tự cơ cấu lại và thay đổi cổ đông lớn mới. 1 ngân hàng còn lại đang chờ ý kiến của Thủ tướng về phương án tự củng cố trên cơ sở có sự tham gia vốn của tổ chức tín dụng nước ngoài.
Ngoài 9 ngân hàng yếu kém bắt buộc phải tái cơ cấu, NHNN cũng yêu cầu các NHTM xây dựng phương án tự tái cơ cấu. Đến nay, Ngân hàng Phát triển nhà TP.HCM và NHTM cổ phần Đại Á đã tiến hành sáp nhập tự nguyện để nâng quy mô, tăng năng lực quản lý và hiệu quả hoạt động.
Nhờ vậy, “sức khỏe” của hệ thống ngân hàng đang tỏ ra khả quan hơn. Các chỉ số tài chính cơ bản của hệ thống các tổ chức tín dụng đã được cải thiện so với năm 2012 và đầu năm 2013, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đã giảm nhẹ về mốc 13,76% vào thời điểm tháng 9 (tuy còn cao so với mức tối thiểu 9%)...
Khó đạt mục tiêu
Đề án tái cơ cấu ngân hàng 2011-2015 đặt ra lộ trình đến 2014 hoàn thành cơ bản xử lý nợ xấu, nhưng điều này xem ra khó có thể đạt được. Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, tái cơ cấu NHTM yếu kém vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu lành mạnh hóa, đặc biệt là xử lý nợ xấu.
Tốc độ tăng nợ xấu năm 2013 đã giảm so với năm 2012 (8 tháng đầu năm 2013 tốc độ tăng nợ xấu bình quân là 2,52%/tháng, đã giảm đáng kể so với tốc độ tăng 3,91% của cùng kỳ năm 2012). Chính phủ cũng đã thành lập Công ty Quản lý tài sản quốc gia (VAMC) để góp phần xử lý nợ xấu. Tính đến tháng 10, VAMC đã mua lại hàng chục ngàn tỷ đồng nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, trong năm 2012 và 9 tháng đầu năm 2013, tự thân hệ thống các NHTM cũng đã xử lý được hàng trăm nghìn tỷ đồng nợ xấu thông qua việc tăng trích lập dự phòng rủi ro.
Song, báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội cho thấy, tính đến cuối tháng 8/2013, nợ xấu của hệ thống ngân hàng vẫn ở mức khá cao là 4,64% (tương ứng khoảng 142.000 tỷ đồng), tăng so với đầu năm (đầu năm tỷ lệ này là 4,3%). Quy mô nợ xấu toàn hệ thống còn cao và có dấu hiệu tăng trở lại đang đặt ra những thách thức không chỉ về các giải pháp điều hành mà đòi hỏi còn cần phải có một nguồn lực tài chính rất lớn mới có thể xử lý.
Ngoài ra, vấn đề sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng cũng chưa được kiểm soát gây ảnh hưởng đến hoạt động lành mạnh của hệ thống. Vấn đề chi phí liên quan đến thực hiện tái cơ cấu của chính các NHTM như chi phí đánh giá chất lượng tài sản, chi phí sắp xếp lại, chi phí nâng cao năng lực quản trị, chi phí thoái vốn, rút khỏi lĩnh vực đầu tư phi tài chính… cũng chưa được đề cập đến. Tính công khai, minh bạch trong công bố chất lượng tín dụng (nợ xấu) theo chuẩn mực quốc tế của các tổ chức tín dụng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, trong thời gian tới cần rà soát, đánh giá tình trạng sở hữu chéo và công khai, minh bạch hoạt động của các cá nhân là cổ đông lớn, cổ đông và người có liên quan của cổ đông trong các tổ chức tín dụng. Yêu cầu các NHTM tiếp tục tự tái cơ cấu, tăng cường trích lập đủ dự phòng rủi ro theo tiêu chuẩn mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng quy mô, năng lực tài chính thông qua tăng vốn để bảo đảm đủ mức vốn tự có theo tiêu chuẩn an toàn vốn đến năm 2015. Cần tăng cường quản trị rủi ro, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng và tăng cường minh bạch thông tin, nhất là công khai về xử lý nợ xấu./.
( Nguồn : ven.vn)
 
TIN TỨC NỔI BẬT
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
12A03, Tầng 12, Khu A, Tòa nhà Indochina Park Tower, Số 4 Nguyễn Đình Chiểu, P. Đakao, Quận 1, Tp. HCM
Hotline: 0935 339 669


 
THÔNG TIN THỊ TRƯỜNG

1