VietnameseKorean

PostHeaderIcon Hoàn thiện Luật Kế toán năm 2013 để hướng đến mục tiêu hội nhập quốc tế

I/ Sự cần thiết của việc tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật Kế toán và ban hành mới Luật Kế toán

Luật Kế toán số 03/2003/QH11 là văn bản pháp luật cao nhất về kế toán từ trước đến nay, đã luật hóa nhiều nguyên tắc, nội dung công tác kế toán, tổ chức bộ máy kế toán, người làm kế toán và hoạt động nghề nghiệp kế toán. Sau khi công bố Luật Kế toán đã có những ảnh hưởng rất lớn trong nền kinh tế. Hoạt động kế toán đã được cả xã hội quan tâm thực hiện, từ đào tạo cán bộ kế toán, tổ chức công việc kế toán, lập và trình bày báo cáo tài chính giúp công khai, minh bạch thị trường tài chính cả khu vực doanh nghiệp, khu vực hành chính sự nghiệp và khu vực kinh doanh cá thể; đã đóng góp tích cực vào việc phát triển nền kinh tế đất nước trong quá trình đổi mới theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên sau 10 năm thực hiện, nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, mở cửa hội nhập quốc tế của Việt Nam đã phát triển nhanh, ra đời nhiều chính sách, chế độ mới về kinh tế, tài chính, ngân hàng, thị trường chứng khoán, hình thành và phát triển nhiều tập đoàn kinh tế, khu công nghiệp… Luật Kế toán năm 2003 đã xuất hiện nhiều bất cập. Do đó việc tổng kết, đánh giá nhằm sửa đổi, bổ sung và ban hành mới Luật Kế toán để khắc phục những bất cập, đáp ứng yêu cầu quản lý và tiếp cận kinh nghiệm quốc tế mới là điều phù hợp và rất cần thiết.

II/ Đánh giá thực trạng và kiến nghị định hướng sửa đổi Luật Kế toán như sau:

1) Kết quả nổi bật sau 10 năm thực hiện Luật Kế toán:

-          Luật Kế toán năm 2003 đã tạo lập được nền tảng pháp lý cho hoạt động đào tạo lực lượng cán bộ kế toán trình độ đại học và trên đại học, làm cơ sở cho các đơn vị, tổ chức thực hiện công tác kế toán, lập và công khai báo cáo tài chính cho cả khu vực kinh doanh và khu vực hành chính sự nghiệp;

-          Các nguyên tắc và nội dung quy định trong Luật Kế toán đã phù hợp với giai đoạn đầu chuyển đổi sang kinh tế thị trường, giai đoạn đầu mở cửa và hội nhập quốc tế, khi các cơ chế, cấu trúc kinh tế chưa phát triển và phức tạp như hiện nay;

-          Các nguyên tắc và nội dung quy định trong Luật Kế toán đã có bước tiếp cận đáng kể với thông lệ, chuẩn mực, kinh nghiệm quốc tế về kế toán;

-          Luật Kế toán và các chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán hướng dẫn thực hiện Luật đã tạo thành khuôn khổ pháp luật đồng bộ về kế toán giúp mọi đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tổ chức hoạt động kế toán, lập báo cáo tài chính đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước và công khai khá kịp thời, minh bạch thông tin tài chính, giúp thị trường tài chính, thị trường chứng khoán và nền kinh tế Việt Nam phát triển như hiện nay, đáp ứng yêu cầu mở cửa, hội nhập quốc tế trong giai đoạn 10 năm vừa qua cũng như các năm tới.

2) Những bất cập của Luật Kế toán hiện nay:

a)       Các nguyên tắc và nội dung quy định về kế toán chủ yếu mới phù hợp với từng đơn vị kế toán riêng lẻ. Nền kinh tế thị trường hiện nay đã phát triển khá mạnh, các hoạt động đầu tư, liên doanh, liên kết đa dạng, đa chiều, đa ngành, nhiều thành phần, hình thành các tập đoàn kinh tế, các nguyên tắc và nội dung quy định trong Luật Kế toán tỏ ra chưa đủ cơ sở pháp lý cho quản lý, chưa đủ chế tài, thiếu các quy định để bắt buộc thiết kế hệ thống kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán hiệu quả.

-          Các quy định pháp lý về tiêu chuẩn, điều kiện, vai trò, chức năng, quyền hạn, trách nhiệm trước pháp luật của người làm kế toán, kế toán trưởng, tổ chức bộ máy kế toán và của từng cấp quản lý công tác kế toán không còn phù hợp.

-          Quy định của Luật Kế toán chủ yếu phù hợp với kế toán thủ công trong khi hầu hết đơn vị kế toán hiện nay đã thực hiện trên máy tính; báo cáo, truyền thông, công khai, lưu trữ … cũng thực hiện trên phương tiện điện tử.

-          Các quy định của Luật Kế toán về dịch vụ kế toán, Hội nghề nghiệp về kế toán, cũng không còn phù hợp…, quy định về kiểm tra kế toán, kiểm toán cũng không còn phù hợp với thành phần kinh tế cá thể, không phù hợp về xử lý tài sản tổn thất, mất mát, về xử phạt gian lận, vi phạm hành chính về kế toán…

b) Một số bất cập về chỉ đạo, thực hiện:

-          Trong bộ máy quản lý hiện nay không còn hệ thống tổ chức quản lý tài chính, kế toán theo ngành kinh tế như trước dẫn đến thiếu việc tuyên truyền, phổ biến, thiếu sự kiểm tra, kiểm soát cả về thực hiện kế toán và quản lý tài chính, dẫn đến pháp luật về kế toán không chắc chắn đến được người thực hiện.

-          Công tác kiểm tra kế toán quy định tại Mục 4 Chương II nhưng thực tế gần như không có hoạt động kiểm tra kế toán, không có xử lý sai phạm về kế toán đã làm giảm thiểu nghĩa vụ tuân thủ pháp luật về kế toán.

-          Việc ban hành văn bản hướng dẫn về kế toán, tài chính doanh nghiệp còn chậm, nội dung không theo kịp thực tế, lại chưa thống nhất với các văn bản liên quan, đã gây khó khăn không nhỏ cho các doanh nghiệp.

3) Đề xuất một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán 2003:

(1) Về định hướng sửa đổi Luật Kế toán:

–             Định hướng sửa đổi Luật Kế toán phải phù hợp với cam kết WTO và định hướng chiến lược phát triển kế toán đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trước hết là yêu cầu công khai, minh bạch hệ thống thông tin về kinh tế, tài chính mà cơ bản là số liệu từ công việc kế toán.

–             Về kế toán, kiểm toán Việt Nam đã cam kết mở cửa gần như hoàn toàn, do đó phải tiếp cận gần nhất với thông lệ và chuẩn mực quốc tế, với hệ thống thông tin tự động liên kết toàn cầu, tiếp cận về tổ chức quản lý, giám sát thực thi pháp luật kế toán. Kế toán phải hướng đến mục tiêu hội nhập quốc tế, được quốc tế thừa nhận.

(2) Về đối tượng áp dụng (Điều 2)

Đề nghị bổ sung đối tượng áp dụng Luật Kế toán là các tổ chức nghề nghiệp về kế toán vì trong điều kiện kinh tế thị trường, kế toán đã trở thành dịch vụ do người có chứng chỉ hành nghề kế toán cung cấp. Người hành nghề kế toán cần có sự hỗ trợ và quản lý của tổ chức nghề nghiệp về kế toán nên tổ chức này phải là đối tượng áp dụng Luật Kế toán theo thông lệ quốc tế phổ biến.

(3) Về nguyên tắc kế toán (Điều 7):

Cần sửa đổi nguyên tắc giá trị tài sản được tính theo giá gốc thành nguyên tắc kết hợp giữa giá gốc với giá trị hợp lý (giá thực tế, giá thị trường), bằng cách việc ghi nhận ban đầu của tài sản được ghi theo giá gốc, sau đó, nếu có các yếu tố tác động làm cho giá gốc không còn phù hợp thì giá trị tài sản được ghi lại theo giá trị hợp lý trong các trường hợp nhất định. Điều kiện để được ghi nhận theo giá trị hợp lý phải được quy định chặt chẽ, tránh lợi dụng để chế biến, khai khống giá trị tài sản. Trong kế toán Nhà nước được ghi theo giá danh nghĩa, giá tượng trưng

Bổ sung các nguyên tắc kế toán mới như: Nguyên tắc đúng kỳ và nguyên tắc nội dung quan trọng hơn hình thức làm cơ sở thực hiện các xét đoán kế toán.

(4) Về chuẩn mực kế toán (Điều 8):

Cần bổ sung thêm vào Điều 8 các quy định về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán: Là các quy định và hướng dẫn về nội dung và tiêu chuẩn đạo đức của người làm kế toán, người hành nghề kế toán, là cơ sở để kiểm tra và đánh giá chất lượng đội ngũ kế toán viên và giao Bộ Tài chính quy định về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán trên cơ sở chuẩn mực quốc tế.

(5) Về chữ viết và chữ số trong kế toán (Điều 12):

Cần bổ sung thêm: “Trong trường hợp sử dụng đơn vị tiền tệ là ngoại tệ để ghi sổ kế toán thì việc đánh dấu chấm (.) hay dấu phẩy (,) giữa các chữ số được ghi theo thông lệ quốc tế là dấu phẩy (,) sau hàng ngàn, hàng triệu,hàng tỷ… và dấu chấm (.) sau hàng đơn vị.” nhưng phải đăng ký với cơ quan tài chính… cho phù hợp thông lệ quốc tế và các phần mềm kế toán quốc tế phổ biến.

Cần cho phép đơn vị kế toán lập báo cáo tài chính theo đơn vị tính 1000 đ, đơn vị lập báo cáo tài chính tổng hợp hoặc báo cáo tài chính hợp nhất đơn vị tính là triệu đồng.

(6) Cần bổ sung 01 điều quy định về “Tổ chức nghề nghiệp về kế toán” (sau Điều 12):

Trong điều kiện kinh tế thị trường, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không tổ chức bộ máy kế toán mà thuê công ty dịch vụ kế toán. Người hành nghề kế toán phát triển, theo đó cần có tổ chức nghề nghiệp về kế toán, giúp Nhà nước quản lý những người hành nghề kế toán và công ty dịch vụ kế toán. Do đó cần có điều khoản quy định về tổ chức nghề nghiệp về kế toán.

Bộ Tài chính cũng cần thực hiện việc cơ cấu lại các tổ chức nghề nghiệp hiện có về kế toán, kiểm toán.

(7) Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 14) nên bổ sung hai nội dung:

-          Lập các hệ thống sổ kế toán tài chính khác nhau (và sửa đổi lại Khoản 1 Điều 26 “1-Mỗi đơn vị kế toán chỉ có một hệ thống sổ kế toán tài chính cho một kỳ kế toán năm”).

-          Người làm kế toán, cá nhân, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán lợi dụng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân sử dụng người làm kế toán hoặc sử dụng dịch vụ kế toán.

-          Cho thuê, cho mượn chứng chỉ hành nghề kế toán để thành lập doanh nghiệp dịch vụ kế toán, cung cấp dịch vụ kế toán.

(8) Về Hóa đơn (Điều 21): Đề nghị sửa lại theo quy định của các Luật thuế hiện hành.

(9) Về hệ thống tài khoản kế toán (Điều 23): Cần nhấn mạnh sự bắt buộc mỗi đơn vị kế toán phải sử dụng một hệ thống tài khoản kế toán thống nhất và được quy định chi tiết hệ thống tài khoản đó theo yêu cầu quản lý và công tác kế toán quản trị.

(10) Về lập báo cáo tài chính (Điều 30): (Khoản 2 Điều 30 nên chia thành 02 khoản:

-          Bổ sung danh mục BCTC (Khoản 2 Điều 2a) thêm mẫu “Báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu”cho phù hợp thông lệ quốc tế.

-          Việc lập báo cáo tài chính phải căn cứ vào số liệu sau khi khóa sổ.

-          Đơn vị kế toán cấp trên phải lập báo cáo tài chính tổng hợp dựa trên báo cáo tài chính của các đơn vị trong cùng đơn vị kế toán cấp trên. Công ty mẹ phải lập báo cáo tài chính hợp nhất của tập đoàn trên cơ sở báo cáo tài chính của công ty mẹ và báo cáo tài chính của các công ty con.

(11) Về hình thức và thời hạn công khai báo cáo tài chính (Điều 33): Cần bổ sung doanh nghiệp phải công khai báo cáo tài chính theo quy định tại khoản 1 khi có yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước hoặc các đối tác trong quan hệ thương mại, đầu tư.

(12) Về kiểm tra kế toán (Điều 35): Cần quy định cụ thể trong Luật, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra kế toán đối với từng loại hình đơn vị: Doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài nắm cổ phần chi phối, doanh nghiệp có vốn của Nhà nước, các doanh nghiệp khác, các đơn vị hành chính sự nghiệp, đơn vị bán công, đơn vị ngoài công lập. Bởi vì như đã nêu ở trên, công tác kiểm tra kế toán hiện còn nhiều bất cập.

Về nội dung kiểm tra kế toán (Điều 36), nếu giữ các quy định lớn như trong Luật Kế toán hiện hành, thì cần quy định chi tiết trong Nghị định hướng dẫn Luật về nội dung kiểm tra kế toán.

(13) Về kế toán trưởng (Điều 52):

Cần nghiên cứu có thể nâng cấp chức danh “Kế toán trưởng” thành chức danh “Giám đốc tài chính” và chức danh kế toán trưởng giảm xuống chỉ phụ trách về chuyên môn, nghiệp vụ kế toán.

(14) Ngoài ra có thể giảm bớt các quy định về sổ kế toán ghi bằng tay (Khoản 5, Điều 27), như quy định về sửa chữa sổ kế toán (Điều 28); giảm bớt quy định về tổ chức bộ máy kế toán (Điều 48); cần quy định cụ thể hơn yêu cầu của phần mềm kế toán (bảo mật, cách ghi sổ, sửa chữa, kiểm tra), bảo quản lưu trữ chứng từ, sổ sách, báo cáo điện tử, quy định chi tiết hơn về kế toán quản trị, công khai kế toán, công ty dịch vụ kế toán…./.

( Nguồn : Vacpa.org.vn)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
TIN TỨC NỔI BẬT
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
12A03, Tầng 12, Khu A, Tòa nhà Indochina Park Tower, Số 4 Nguyễn Đình Chiểu, P. Đakao, Quận 1, Tp. HCM
Hotline: 0935 339 669


 
THÔNG TIN THỊ TRƯỜNG

1