VietnameseKorean

PostHeaderIcon 37 chuẩn mực kiểm toán mới áp dụng từ ngày 1-1-2013

Theo ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCKNN, do tác động của tình hình kinh tế, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn. Trong tình hình này, việc thực hiện đúng các chuẩn mực về báo cáo tài chính là một trong những điều kiện quan trọng để doanh nghiệp tự kiểm soát và hồi phục thị trường.

Ông Bùi Văn Mai, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) cho biết, hệ thống chuẩn mực kiểm toán (CMKiT) Việt Nam mới gồm 37 chuẩn mực được nghiên cứu, soạn thảo, cập nhật theo hệ thống CMKiT quốc tế mới sẽ có hiệu lực thi hành từ 1-1-2013.

Hệ thống CMKiT mới này thay thế các chuẩn mực cũ trừ bốn CMKiT vẫn còn hiệu lực thi hành cho đến khi có chuẩn mực mới thay thế. Đó là CMKiT số 1000 về kiểm toán báo cáo quyết toán vốn đầu tư hoàn thành, CMKiT số 930 về dịch vụ tổng hợp thông tin tài chính, CMKiT số 910 về công tác soát xét báo cáo tài chính và CMKiT số 920-kiểm tra thông tin tài chính trên cơ sở các thủ tục thỏa thuận trước.

 

Theo CMKiT Việt Nam mới, việc xem xét rủi ro gian lận trước hết thuộc về trách nhiệm của ban quản trị và ban giám đốc đơn vị được kiểm toán. Đối với trách nhiệm của kiểm toán viên, kiểm toán viên phải đạt được sự đảm bảo hợp lý về việc có những sai sót trọng yếu do gian lận hoặc nhầm lẫn hay không, xét trên phương diện tổng thể.

Ông Mai cũng nhận định, do những hạn chế vốn có của kiểm toán, kể cả những cuộc kiểm toán được lập kế hoạch và thực hiện theo CMKiT Việt Nam vẫn có những sai sót làm ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính sẽ không được phát hiện, đặc biệt là các sai sót do gian lận.

Một CMKiT khác nữa trong chuẩn mực mới là quy định về thủ tục kiểm toán năm đầu tiên, trong đó trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán đối với báo cáo kiểm toán năm trước do đơn vị kiểm toán khác thực hiện là phải gửi công văn cho doanh nghiệp kiểm toán tiền nhiệm thông báo về việc doanh nghiệp kiểm toán hiện tại, đề nghị cho tiếp cận hồ sơ.

Đối với trách nhiệm của kiểm toán viên, kiểm toán viên phải thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp liên quan đến số dư đầu kỳ có sai sót ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính kỳ hiện tại, xem xét các chính sách kế toán kỳ trước có được áp dụng nhất quán trong kỳ hiện tại hay không, các thay đổi chính sách kế toán đã được trình bày đầy đủ hay chưa…

CMKiT Việt Nam mới cũng quy định những nội dung liên quan đến kiểm tra giao dịch và các số dư với các bên liên quan, các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kiểm toán, thu thập giải trình bằng văn bản…

Tại Hội thảo, ông Bùi Hoàng Hải, Phó Vụ Quản lý phát hành, UBCKNN cho biết, khi lập và trình bày báo cáo tài chính, các đơn vị niêm yết, đại chúng thường gặp những lỗi về thời gian như thiếu ngày tháng lập, ngày lập báo cáo tài chính còn sau ngày lập báo cáo kiểm toán, thậm chí có bút toán của kiểm toán nhưng ngày lập báo cáo tài chính vẫn đề ngày 31-12 là ngày kết thúc năm tài chính là không đúng với thực tế… Ngoài ra một số lỗi khác vẫn thường gặp là những sai sót liên quan đến báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo tài chính hợp nhất…

Còn theo bà Hà Thị Ngọc Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Bộ Tài chính, doanh nghiệp còn ít lưu ý đến việc lập dự phòng cho hàng tồn kho. Bà Hà cho biết, doanh nghiệp cần lập dự phòng cho hàng tồn kho khi giá bán sản phẩm, hàng hóa giảm dưới giá mua hoặc giá thành sản phẩm, doanh nghiệp có lợi nhuận gộp âm hay hàng hóa bị hư hỏng, tổn thất hoặc chậm luân chuyển. Ngoài ra những sai sót trong kế toán các khoản dự phòng và chi phí còn ở việc chưa lập dự phòng phải trả, không phản ánh đầy đủ các khoản chi phí phải ghi nhận vào giá vốn bán hàng…

( Nguồn : www.vacpa.org.vn)

 
TIN TỨC NỔI BẬT
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
12A03, Tầng 12, Khu A, Tòa nhà Indochina Park Tower, Số 4 Nguyễn Đình Chiểu, P. Đakao, Quận 1, Tp. HCM
Hotline: 0935 339 669


 
THÔNG TIN THỊ TRƯỜNG

1