VietnameseKorean

PostHeaderIcon Những điểm mới về hướng dẫn xử lý chênh lệch tỷ giá theo thông tư 179/2012/TT-BTC

Quy định về ghi nhận, đánh giá, xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái trong doanh nghiệp theo thông tư 179/2012/TT-BTC ngày 24 tháng 10 năm 2012.

I. Đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh:

1. Đối tượng áp dụng:

Thông tư này áp dụng cho doanh nghiệp được thành lập và hoạt động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật. Thông tư không áp dụng đối với các tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật các Tổ chức tín dụng.

Đối với các doanh nghiệp được thành lập trên cơ sở các Hiệp định ký giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ các nước, nếu Hiệp định có các quy định về xử lý chênh lệch tỷ giá hối đoái khác với hướng dẫn tại Thông tư này thì thực hiện theo quy định của Hiệp định đó.

2. Phạm vi điều chỉnh:

Thông tư này hướng dẫn việc ghi nhận, đánh giá, xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái và việc chuyển đổi báo cáo tài chính các hoạt động ở nước ngoài, các cơ sở ở nước ngoài của doanh nghiệp sang đơn vị tiền tệ kế toán doanh nghiệp Việt Nam.

Việc xác định thu nhập, chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái trong doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại các văn bản pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

II. Tỷ giá quy đổi ngoại tệ ra “Đồng” Việt Nam:

1. Đối với việc thanh toán các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ phát sinh trong năm tài chính thì thực hiện theo tỷ giá thực tế tại thời điểm phát sinh giao dịch ngoại tệ của Ngân hàng Thương mại nơi doanh nghiệp có giao dịch phát sinh theo quy định của pháp luật.

2. Đối với việc đánh giá lại số dư ngoại tệ cuối kỳ kế toán thì thực hiện theo tỷ giá mua vào của Ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp mở tài khoản công bố tại thời điểm lập báo cáo tài chính.

Theo qui định của chuẩn mực kế toán, vào thời điểm cuối kỳ kế toán, đơn vị đánh giá lại số dư ngoại tệ theo tỷ giá bình quân liên Ngân hàng.

III. Xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái thời kỳ doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh:

Trong giai đoạn sản xuất, kinh doanh, kể cả việc đầu tư xây dựng để hình thành tài sản cố định của doanh nghiệp đang hoạt động, chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh từ các giao dịch bằng ngoại tệ của các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ sẽ được hạch toán vào doanh thu hoạt động tài chính hoặc chi phí tài chính trong năm tài chính.

So với thông tư 201 thì đây là điểm mới và phù hợp với cách xử lý theo VAS 10 – Ảnh hưởng của Chênh lệch tỷ giá.

IV. Xử lý các khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái thời kỳ giải thể, thanh lý doanh nghiệp:

Trong giai đoạn giải thể, thanh lý doanh nghiệp, chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh các giao dịch bằng ngoại tệ của các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ sẽ được hạch toán vào thu nhập thanh lý hoặc chi phí thanh lý doanh nghiệp.

Đây là điểm mới so với các văn bản trước đây vì không nêu ra trường hợp cụ thể.

V. Xử lý chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại số dư ngoại tệ cuối kỳ kế toán (quý, bán niên, năm):

1. Cuối kỳ kế toán, doanh nghiệp phải đánh giá lại số dư tiền mặt, tiền gửi, tiền đang chuyển, các khoản nợ phải thu, nợ phải trả có gốc ngoại tệ ra “đồng Việt Nam” theo tỷ giá quy định tại Điều 3, Điều 4 của Thông tư này. Khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái do việc đánh giá lại số dư cuối kỳ sau khi bù trừ chênh lệch tăng và chênh lệch giảm, số chênh lệch còn lại được hạch toán vào doanh thu hoạt động tài chính hoặc chi phí tài chính trong kỳ.

So với thông tư 201 thì đây là điểm mới và phù hợp với cách xử lý theo VAS 10 – Ảnh hưởng của Chênh lệch tỷ giá

Tuy nhiên có sự khác biệt đối với việc xử lý các khoản tiền tệ có số dự gốc ngoại tệ bao gồm: tiền mặt, tiền gửi, tiền đang chuyển, các khoản nợ phải thu có gốc ngoại tệ theo TT 123/2012/TT-BTC vẫn cho phép giữ lại và không được xem là thu nhập hoặc chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Vì vậy khi xử lý kế toán theo TT 179 hoặc VAS, thì cuối năm khi quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp phải lưu ý và trừ khoản này ra khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

2. Doanh nghiệp không được chia lợi nhuận hoặc trả cổ tức trên lãi chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại số dư ngoại tệ cuối kỳ kế toán của các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ.

 

BQT onthicpa.com


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
TIN TỨC NỔI BẬT
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
12A03, Tầng 12, Khu A, Tòa nhà Indochina Park Tower, Số 4 Nguyễn Đình Chiểu, P. Đakao, Quận 1, Tp. HCM
Hotline: 0935 339 669


 
THÔNG TIN THỊ TRƯỜNG

1