VietnameseKorean

PostHeaderIcon Mua bán doanh nghiệp và những sắc thuế cần lưu tâm


Ông Trần Gia Thế Giám đốc Dịch vụ Thuế và Tư vấn, Công ty Ernst & Young Việt Nam văn phòng tại Hà Nội(ĐTCK) Dưới đây là một số vấn đề về thuế mà các DN và nhà đầu tư tham gia giao dịch M&A cần lưu ý.


Hoạt động tái cơ cấu và mua bán DN chủ yếu được thực hiện dưới hình thức: chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng dự án, mua bán tài sản và chia, tách, sáp nhập, hợp nhất DN. Dưới đây là một số vấn đề về thuế mà các bên tham gia giao dịch cần lưu ý.

Giao dịch chuyển nhượng vốn trong tập đoàn

Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp cho phép tổ chức kinh tế được quyền chuyển nhượng vốn của mình trong DN. Luật Thuế thu nhập DN quy định, thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn phải chịu thuế thu nhập DN ở mức 25%.

Thực tế, quá trình tổ chức lại các công ty trong cùng tập đoàn thường được thực hiện dưới hình thức chuyển nhượng vốn. Các giao dịch chuyển nhượng vốn trong trường hợp này chủ yếu phục vụ mục đích phân cấp quản lý nội bộ của tập đoàn, chứ không phải vì mục đích lợi nhuận và được thực hiện dựa trên nguyên tắc tự thỏa thuận các điều kiện chuyển nhượng, trong đó, có giá trị chuyển nhượng. Vì vậy, giá chuyển nhượng vốn thường được xác định bằng đúng giá vốn, tức là giá trị phần vốn góp ban đầu tại thời điểm góp vốn. Theo đó, việc chuyển nhượng này không phát sinh lợi nhuận và không phát sinh nghĩa vụ thuế. Cơ quan thuế cũng đã từng xác nhận quan điểm áp dụng thuế thu nhập khi chuyển nhượng vốn trong trường hợp trên là phù hợp.

Tuy nhiên, trên một phương diện khác, các công ty trong cùng tập đoàn nói trên có thể bị coi là các bên liên kết, mà theo đó mọi giao dịch giữa các bên phải thực hiện theo giá thị trường. Đây là quan điểm mới mà cơ quan thuế đưa ra gần đây khi xem xét giao dịch chuyển nhượng vốn nhằm mục đích tổ chức lại của một số công ty trong cùng một tập đoàn.

Xác định giá thị trường khi chuyển nhượng vốn

Thuê tổ chức định giá độc lập để xác định giá giao dịch là cách thức mà nhiều NĐT thực hiện khi tiến hành các hoạt động mua bán DN. Tuy nhiên, chỉ với mục đích đơn thuần là tổ chức lại tập đoàn, chứ không phải vì mục đích lợi nhuận, việc chuyển nhượng vốn giữa các công ty trong cùng tập đoàn thường được nói đơn giản là bỏ tiền từ “túi trái” sang “túi phải”, thì liệu việc thuê một tổ chức định giá có thực sự là cần thiết? Hơn nữa, giá chuyển nhượng vốn dựa trên giá trị DN do tổ chức định giá độc lập đưa ra có phải giá thị trường sẽ được cơ quan thuế chấp nhận hay không?

Mặt khác, xác định giá thị trường của giao dịch chuyển nhượng vốn rất khó khăn, phức tạp; phải căn cứ rất nhiều tiêu chí so sánh trong các giao dịch tương tự, cũng như lợi thế của bên mua, bên bán, chứ không đơn giản là căn cứ vào giá trị hiện hành của tài sản DN theo sổ sách kế toán. Do đó, một hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về nguyên tắc, phương thức xác định giá thị trường trong giao dịch chuyển nhượng vốn từ các cơ quan chức năng là nhu cầu cấp thiết, nhằm giúp các NĐT yên tâm khi tiến hành giao dịch chuyển nhượng vốn.

Ghi nhận tăng vốn điều lệ của đơn vị nhận chuyển nhượng vốn

Trong giao dịch chuyển nhượng vốn giữa các công ty trong cùng tập đoàn, thông thường, các bên thỏa thuận mức giá chuyển nhượng đúng bằng giá vốn, tức là giá trị phần vốn góp ban đầu tại thời điểm góp vốn. Theo đó, NĐT ghi nhận mức vốn điều lệ thay đổi đúng bằng giá trị này. Ví dụ: Công ty A có vốn điều lệ 10 triệu USD, Công ty B có vốn điều lệ 15 triệu USD, cả hai công ty đều thuộc quyền sở hữu của Tập đoàn C.

Để cơ cấu lại nhằm mục đích phân cấp quản lý theo mô hình mới, Tập đoàn C thực hiện chuyển nhượng toàn bộ số vốn của mình (15 triệu USD) trong Công ty B sang Công ty A. Theo đó, số vốn của Công ty A tăng lên tương ứng với số vốn nhận chuyển nhượng và mức vốn điều lệ mới của Công ty A là 25 triệu USD.

Tuy nhiên, theo quan điểm gần đây của cơ quan thuế, mức vốn tăng lên được ghi nhận cho Công ty A căn cứ vào vốn chủ sở hữu của Công ty B tại thời điểm chuyển nhượng, chứ không phải mức vốn điều lệ tại thời điểm góp vốn. Cụ thể, trong quá trình hoạt động kinh doanh, nếu Công ty B hoạt động thua lỗ thì vốn chủ sở hữu của Công ty sẽ bị giảm đi và giá trị phần vốn góp được ghi nhận bổ sung vào Công ty A sẽ chỉ bằng phần vốn chủ sở hữu còn lại tại thời điểm chuyển nhượng đó.

Quan điểm này gây nhiều tranh cãi từ phía DN, vì khái niệm vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ là hoàn toàn khác nhau. Đồng thời, việc thua lỗ trong hoạt động kinh doanh của DN làm giảm giá trị vốn chủ sở hữu là một vấn đề tương đối, nhất thời, bởi vì DN có thể bị lỗ trong giai đoạn xây dựng cơ sở ban đầu, nhưng có thể có lãi ngay trong năm tiếp theo khi đi vào hoạt động chính thức. Do đó, việc yêu cầu ghi mức vốn điều lệ tăng lên tương ứng với vốn chủ sở hữu giảm đi theo báo cáo tài chính của công ty có vốn chuyển nhượng tại thời điểm phát sinh giao dịch là chưa hợp lý và khiến các DN lúng túng trong việc hạch toán giá trị vốn trong các giao dịch chuyển nhượng vốn này.

Thuế trong giao dịch mua bán tài sản

Thay vì hình thức chuyển nhượng vốn, để thay đổi chủ sở hữu tài sản của DN, các bên có thể tiến hành giao dịch mua bán tài sản. Theo đó, bên bán có thể bán toàn bộ hoặc một phần tài sản của DN cho bên mua. Theo quy định hiện hành, giao dịch mua bán tài sản này chịu thuế GTGT và thuế thu nhập DN. Cụ thể, thuế GTGT được áp dụng với mức thuế xuất tương ứng với mỗi loại tài sản. Thu nhập thu được từ giao dịch mua bán này được coi là thu nhập khác và chịu mức thuế suất thuế thu nhập DN là 25%.

Liên quan đến giao dịch này cũng còn nhiều vấn đề chưa rõ trong việc áp dụng thuế, ví dụ như việc áp dụng thuế GTGT đối với các tài sản vô hình như bí quyết kinh doanh, thông tin dữ liệu khách hàng… được tính vào giá trị giao dịch mua bán tài sản thì thuế suất thuế GTGT áp dụng là bao nhiêu?

Đối với các tài sản là tài sản hữu hình thì đánh giá mức giá giao dịch như thế nào là phù hợp, theo mức giá thị trường hay giá trị sổ sách? Ví dụ: đối với một số tài sản cố định đã qua sử dụng và được khấu hao một phần, nếu xác định giá giao dịch căn cứ vào giá trị sổ sách, tức là giá trị còn lại sau khi trừ đi khấu hao theo cách ghi nhận của đơn vị, thì có được cơ quan thuế chấp nhận không, trong khi thị trường có thể đánh giá tài sản đó cao hơn?

Ngoài ra, theo quy định hiện hành, chuyển giao tài sản với mục đích góp vốn sẽ không chịu thuế GTGT và trong trường hợp tài sản được chuyển giao để góp vốn căn cứ trên giá trị còn lại trên sổ sách kế toán thì không phát sinh thu nhập, do đó, không phát sinh nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thực tế, việc phân biệt giao dịch mua bán tài sản với giao dịch chuyển giao tài sản góp vốn giữa các đơn vị trực thuộc trong tập đoàn lại là vấn đề khó phân biệt về bản chất, khi các giao dịch này được lập dưới hình thức thỏa thuận, hợp đồng khác nhau.

Kế thừa ưu đãi thuế

Luật Thuế thu nhập DN quy định: DN thành lập từ chuyển đổi loại hình DN, chuyển đổi sở hữu, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất được thừa kế các ưu đãi về thuế thu nhập DN cho thời gian còn lại, nếu tiếp tục đáp ứng các điều kiện ưu đãi thuế thu nhập DN. Theo đó, việc chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng dự án hay tổ chức lại DN đều được thừa kế các ưu đãi về thuế. Tuy nhiên, đối với các giao dịch mua bán tài sản sẽ không được kế thừa các ưu đãi này.

Với nỗ lực nhằm đáp ứng sự phát triển trong môi trường kinh doanh, các quy định về thuế đã và đang được ban hành, cập nhật và cải tiến liên tục. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề thuế phát sinh từ hoạt động tái cơ cấu và mua bán DN nêu trên, cần những hướng dẫn cụ thể, rõ ràng hơn của cơ quan quản lý thuế Việt Nam.

 

( Nguồn : www.webketoan.vn)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
TIN TỨC NỔI BẬT
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
12A03, Tầng 12, Khu A, Tòa nhà Indochina Park Tower, Số 4 Nguyễn Đình Chiểu, P. Đakao, Quận 1, Tp. HCM
Hotline: 0935 339 669


 
THÔNG TIN THỊ TRƯỜNG

1