VietnameseKorean

PostHeaderIcon Tầm quan trọng của việc sử dụng thông tin kế toán khi quyết toán thuế TNDN

Trong điều kiện hiện vận hành nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, hệ thống kế toán được thiết lập với mục đích cung cấp thông tin tài chính chung nhất, phục vụ lợi ích của các chủ thể sử dụng thông tin khác nhau. Trong đó, mục đích cung cấp thông tin tài chính về nghĩa vụ thuế của DN đối với NSNN là một trọng tâm, nhưng không phải là mục đích duy nhất. Sự độc lập tương đối giữa các quy định của chính sách thuế nói chung và chính sách thuế TNDN nói riêng với các quy định của chuẩn mực và chế độ kế toán,dẫn đến khi sử dụng thông tin kế toán cho mục đích kê khai và quyết toán thuế cần có quá trình phân tích và điều chỉnh cho phù hợp.

Thông thường, việc sử dụng thông tin kế toán khi quết toán thuế TNDN được thực hiện qua 4 bước cơ bản:

(1) Căn cứ vào báo cáo kết quả kinh doanh của DN để lập chỉ tiêu "Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế TNDN" - Mã số A1 trên tờ khai quyết toán thuế TNDN năm.

(2) Căn cứ vào các sổ kế toán tổng hợp và chi tiết về doanh thu, thu nhập và các khoản chi phí thuộc các khoản mục chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, nhân công trực tiếp, sản xuất chung và chi phí bán hàng, quản lý DN, chi phí tài chính, chi phí khác để nhận diện các khoản thu nhập, chi phí có sự khác biệt về quy định ghi nhận giữa chuẩn mực, chế độ kế toán và chính sách thuế.

(3) Lập các bảng kê phân tích, so sánh và xác định các khoản chênh lệch đối với khoản doanh thu, thu nhập và chi phí có sự khác biệt giữa ghi nhận và chi phí có sự khác biệt giữa ghi nhận của kế toán với chính sách thuế.

(4) Sử dụng thông tin trên các bảng kê phân tích so sánh doanh thu, chi phí để lập các chỉ tiêu điều chỉnh của tờ khai tự quyết toán thuế TNDN và xác định thu nhập chịu thuế TNDN. (Các chỉ tiêu có mã số: B2 - B6 và B8 - B11 trên tờ khai quyết toán thuế TNDN năm)

Về nguyên tắc, khi sử dụng thông tin kế toán để kê khai thuế TNDN có nhiều phương pháp thực hiện khác nhau, trên cơ sở hiểu và vận dụng mối quan hệ giữa chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán với chính sách thuế TNDN hiện hành.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc sử dụng thông tin kế toán trong kê khai, quyết toán thuế TNDN vẫn còn nhiều hạn chế, có thể khái quát theo bốn dạng như sau:

Một, Nhiều DN không chủ động bóc tách các khoản chi phí chưa có các chứng từ kế toán hợp pháp, hợp lệ chứng minh. Một số khoản chi phí mà các DN thường chậm tập hợp chứng từ hoặc chứng từ không đầy đủ như: Chi phí vận chuyển, ăn ca, tiếp khách, khuyến mại... Theo quy định hiện hành, các chi phí mà DN chưa có đầy đủ chứng từ chứng minh, cần phải được bóc tách để khai điều chỉnh tăng lợi nhuận chịu thuế.

Hai, các DN chưa quan tâm xây dựng các định mức sản xuất kinh doanh chủ yếu liên quan đến sử dụng vật tư, nhiên liệu. Do vậy DN không hạch toán riêng được các chi phí vật tư, nhiên liệu, năng lượng vượt định mức, dẫn đến các chi phí này không được bóc tách và điều chỉnh trên tờ khai quyết toán thuế TNDN.

Ba, đối với các chi phí, theo Luật Thuế TNDN được khấu trừ khi tính thuế một cách hạn chế như: chi phí trang phục của người lao động, chi phí khấu hao của xe ô tô dưới 9 chỗ của các DN không kinh doanh vận tải, du lịch, khách sạn, chi phí lãi vay của cá nhân, chi phí quảng cáo, khuyến mại, chiết khấu thanh toán... DN không mở các sổ chi tiết theo dõi riêng, nên khi kê khai, quyết toán thuế rất khó khăn trong việc bó tách các khoản chi phí vượt mức được trừ khi kê khai thuế TNDN.

Bốn, đối với các khoản doanh thu không chịu thuế TNDN và các khoản doanh thu, thu nhập khác được kê khai tính trước thuế TNDN cũng như các chi phí tương ứng, hầu hết các DN không mở các sổ chi tiết để theo dõi riêng. Vì vậy khi kê khai, quyết toán thuế TNDN rất khó xác định và bóc tách các khoản này để tính đúng thu nhập chịu thuế. Ngoài ra, còn một số trường hợp kế toán ghi nhận các khoản dự phòng nhưng không kê khai điều chỉnh đối với các trường hợp không có đủ căn cứ theo quy định chung, cũng ảnh hưởng đến số liệu quyết toán thuế.

Nguyên nhân dẫn đến việc áp dụng không đồng nhất, trước hết là do người làm kế toán DN chưa nhận thức đúng về mối tương quan giữa chuẩn mực, chế độ kế toán và chính sách thuế TNDN. Trong thực tế kinh doanh, việc sử dụng hóa đơn, chứng từ kế toán giữa các DN còn tình trạng chậm phát hành hóa đơn trong mua bán hàng hóa, dịch vụ gây ra nhiều khó khăn trong việc tập hợp chứng từ kế toán. Đối với các DN nhỏ và vừa, việc thường xuyên thay đổi nhân viên kế toán cũng dẫn đến quá trình tổng hợp số liệu, chứng từ kế toán để kê khai thuế gặp nhiều khó khăn. Tâm lý chưa sẵn sàng sử dụng các dịch vụ chuyên nghiệp về kế toán và kê khai thuế ở các DN cũng dẫn đến việc kê khai quyết toán thuế còn chậm và nhiều sai sót. Một nguyên nhân khác là do chính sách thuế TNDN hiện hành mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần theo hướng đơn giản hơn, dễ hiểu, dễ áp dựng, song vẫn còn nhiều sự khác biệt không cần thiết với hệ thống chuẩn mực và chế độ kế toán. Đặc biệt, còn tồn tại nhiều khoản chi phí không được trừ do bị giới hạn bởi luật thuế như chi phí khấu hao, chi phí lãi vay, chi phí quảng cáo khuyến mại, hội nghị, tiếp khách...

Sự khác biệt giữa chuẩn mực kế toán và chính sách thuế TNDN là một tất yếu khách quan, không chỉ ở Việt Nam hiện nay, mà ở hầu hết các nước vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường. Do vậy, Nhà nước cần thừa nhận về mặt pháp lý loại hình kế toán thuế (kế toán phục vụ mục đích tính thuế) với hệ thống sổ kế toán riêng, nhằm tổng hợp thông tin kê khai thuế phù hợp và thuận lợi. Bên cạnh đó, chính sách thuế TNDN cần tiếp tục được hoàn thiện trên tinh thần đơn giản hóa, tiến tới loại trừ các quy định giới hạn các khoản chi phí được trừ. Với việc tăng cường công tác quản lý thuế, việc loại bỏ các giới hạn về chi phí được trừ sẽ không làm giảm nguồn thu chịu thuế ở đơn vị khác).

Đối với các DN, việc hiểu đúng mối quan hệ giữa số liệu kế toán và số liệu kê khai, tính thuế TNDN là rất cần thiết, từ đó chấp nhận một thực tế khách quan là, số liệu kế toán của DN không thể sử dụng trực tiếp cho mục đích thuế mà luôn cần có sự điều chỉnh đảm bảo phù hợp với thực tiễn phát sinh. Đối với các DN nhỏ và vừa, việc sử dụng các dịch vụ kế toán và tư vấn thuế chuyên nghiệp là cần thiết để nâng cao chất lượng kế toán cũng như công tác kê khai, quyết toán thuế với chi phí ở mức hợp lý./.

(Nguồn: Tác Giả TS. Mai Ngọc Anh và Theo Thuế Nhà nước )


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
TIN TỨC NỔI BẬT
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
12A03, Tầng 12, Khu A, Tòa nhà Indochina Park Tower, Số 4 Nguyễn Đình Chiểu, P. Đakao, Quận 1, Tp. HCM
Hotline: 0935 339 669


 
THÔNG TIN THỊ TRƯỜNG

1