VietnameseKorean

PostHeaderIcon Uy tín của ngành Ngân hàng Việt Nam đang giảm sút


Đây là đánh giá tại báo cáo nghiên cứu thường kỳ Policy Debate số 3 và báo cáo ngành ngân hàng (NH) năm 2012, với chủ đề “Ngành ngân hàng Việt Nam: Uy tín tan chảy và những cải cách khó khăn” của Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam vừa công bố.

Nghiên cứu được tiến hành dựa trên khảo sát của Vietnam Report về nhận định của cộng đồng các doanh nghiệp lớn nhất và hoạt động kinh doanh tốt nhất Việt Nam, bao gồm Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500), Top 1.000 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam (V1000) và Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (FAST500) đối với thực trạng hoạt động của ngành ngân hàng và những khó khăn trong cải cách ngành ngân hàng. Nhóm nghiên cứu nhận được trên 300 phiếu trả lời từ cộng đồng doanh nghiệp.

Đồng thời, nghiên cứu cũng áp dụng việc phân tích lượng hóa nội dung truyền nhằm đánh giá uy tín của ngành ngân hàng nói chung, cũng như từng ngân hàng nói riêng. Phương pháp nghiên cứu phân tích truyền thông để đánh giá uy tín của các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp và ngân hàng dựa trên được 2 giáo sư Maxwell McCombs và Donald L. Shaw công bố vào năm 1968 và được Tập đoàn Media Tenor International (Thụy Sỹ) hiện thực hóa và áp dụng. Dựa trên phương pháp này và kế thừa kinh nghiệm phân tích về uy tín của ngân hàng năm 2011,

Vietnam Report đã tiến hành mã hóa và phân tích toàn bộ các bài báo viết về các ngân hàng được đăng tải trên 5 báo Thời báo kinh tế Việt Nam, Báo Đầu tư, Thời báo Kinh tế Sài gòn, báo Vietnamnews, báo Vnexpress trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 8/2012. Tổng số 4381 bản ghi tích cực và tiêu cực về toàn bộ các khía cạnh hoạt động của các ngân hàng từ sản phẩm, kết quả kinh doanh, thị trường ... tới các hoạt động và uy tín của lãnh đạo của các ngân hàng đã được đưa vào phân tích để chỉ ra uy tín của các ngân hàng trong đầu năm 2012 cũng như các nhân tố chủ chốt góp phần nâng cao uy tín của ngân hàng trên truyền thông.

 

Có thể nói, năm 2012 là một năm kinh doanh khó khăn đối của ngành ngân hàng bởi cho tới hết quý 2, nhiều ngân hàng chỉ đạt được chưa đầy 20-30% chỉ tiêu lợi nhuận cho cả năm. Các ngân hàng khác dù đã đạt được 50% chỉ tiêu cũng xem xét điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận cả năm trong tháng 7/2012 do đánh giá tình hình kinh tế biến động không thuận lợi và không nhiều khả năng tăng tín dụng cho tới hết năm. Rất nhiều ngân hàng lợi nhuận trong nửa năm 2012 thấp hơn cùng kỳ năm trước đó.

Các ngân hàng Việt Nam gặp phải rắc rối lớn khi nợ xấu tăng đột biến trong các tháng đầu năm 2012. Tính tới tháng 6/2012, con số nợ xấu được tính toán ở khoảng 256 nghìn tỷ, chiếm 10% trong tổng dư nợ toàn ngành. Trong khi đó, con số này trong các năm trước rất thấp, 2,5% năm 2009, 2,1% năm 2010 và 3,3% năm 2011. Vấn đề nguy hiểm hơn là ở chỗ, những nguồn thông tin chính thức lại không thống nhất với nhau về con số chính xác của khoản nợ xấu này khiến cho vấn đề khó được giải quyết nhanh chóng. Hệ thống NH tiềm ẩn rủi ro  rất lớn do các ngân hàng lách hạn mức tín dụng, che giấu các khoản nợ xấu, khiến cho việc kiểm soát khó khăn, ảnh hưởng lớn tới thanh khoản và hoạt động của toàn hệ thống.

Kéo theo đó, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp lớn sụt giảm, trong đó, 44% các DN lớn đã khẳng định họ không tiếp cận được dòng vốn như trong năm 2011. Trong khi đó, vẫn có 39% số DN vay được nhiều vốn hơn trước, nhưng vốn vay chỉ chiếm tối đa 50% trong tổng vốn kinh doanh của DN.

Mặt khác, với nhiều vụ scandals lớn nhỏ của các NH và vấn đề nợ xấu, uy tín của ngành NH Việt Nam đang giảm sút trong năm 2012 và đang được nhắc tới trên báo chí ngày càng tiêu cực hơn trước. Cùng với việc phát hiện ra những khoản nợ xấu cao gấp nhiều lần báo cáo tại các ngân hàng, nhiều ngân hàng còn gặp những vấn đề về pháp luật như việc tham ô, rút ruột khách hàng, nhận hoa hồng để cho vay, trốn tránh trách nhiệm bảo lãnh thanh toán, làm trái quy định của nhà nước. Đáng chú ý, các ông lớn ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng thương mại nhà nước, bị sụt giảm uy tín mạnh nhất. Cụ thể, 3 trong 4 NHTM nhà nước nằm trong top 5 các NH xuất hiện tiêu cực nhất trên truyền thông với các vụ vi phạm pháp luật tại các chi nhánh, lãi suất cho vay quá cao, nợ xấu tăng cao và kết quả kinh doanh không đạt chỉ tiêu đặt ra. Tuy nhiên, trong số đó, vẫn có Vietinbank và Eximbank hiện được đánh giá cao nhất trên truyền thông. Trong khi đó, SHB được nhắc tới nhiều nhờ cuộc “hôn nhân” của NH này với Habubank và những đánh giá tích cực từ sự kiện này. ACB bị đánh giá thấp nhất và tổng điểm là -1 (âm 1) do sự kiện liên quan tới vụ bắt giữ một số người nguyên là cán bộ lãnh đạo ngân hàng này gần đây.

Việt Nam đang đứng trước thử thách khó khăn nhất của giai đoạn khủng hoảng là cải tổ hoạt động của toàn bộ ngành NH và tránh lặp lại những sai lầm nghiêm trọng trước đây, đặt nền móng cho sự phát triển của toàn bộ hệ thống tài chính trong tương lai. Trong điều kiện uy tín của ngân hàng trong cộng đồng doanh nghiệp và công chúng ở mức thấp như hiện nay, những hoạt động cải cách và tái cơ cấu ngành ngân hàng cần rất thận trọng để tránh những đổ vỡ mang tính dây chuyền của cả hệ thống ngân hàng. Cần có những giải pháp căn cơ để duy trì và cải thiện lòng tin của công chúng và doanh nghiệp đối với hệ thống ngân hàng. Một trong những giải pháp mà các ngân hàng Việt Nam cũng gặp phải vấn đề tương tự những ngân hàng ở nước ngoài: Minh bạch hóa hoạt động và tăng cường tiếp xúc với giới truyền thông để giúp công chúng hiểu rõ hơn những vấn đề mà họ quan tâm. Để làm được điều này, các ngân hàng không chỉ phải thực sự “trong sạch”, mà còn cần phải có một hệ thống truyền thông hiệu quả để ứng phó với bất cứ sự cố nào có thể xảy ra. Đó là những bài học rất có ý nghĩa đối với hệ thống NH tại Việt Nam.

( Nguồn : www.taichinhdientu.vn)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
TIN TỨC NỔI BẬT
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
12A03, Tầng 12, Khu A, Tòa nhà Indochina Park Tower, Số 4 Nguyễn Đình Chiểu, P. Đakao, Quận 1, Tp. HCM
Hotline: 0935 339 669


 
THÔNG TIN THỊ TRƯỜNG

1