VietnameseKorean

PostHeaderIcon Quản trị cuộc đời để thành công

Xem kết quả: / 1
Bình thườngTuyệt vời 

Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc được các bạn trẻ hâm mộ quây lấy sau buổi trao đổi - Ảnh: Quang Định

Danh hiệu không là tất cả

"Dốc hết sức, toàn tâm toàn ý cho đam mê vì chính nhu cầu biết mình chứ không phải vì những công nhận mang tính giấy tờ,

danh hiệu sẽ cho các bạn biết các bạn là ai"

NSƯT THÀNH LỘC

Với ông Giản Tư Trung, một cuộc đời được quản trị tốt là khi con người xác định năm yếu tố căn bản: sự thấu hiểu bản thân, hoài bão - lẽ sống, chiến lược cuộc đời, năng lực cốt lõi và giá trị nền tảng.

Đặt vấn đề thấu hiểu bản thân, cả hội trường đồng tình: bản thân là cái cần phải hiểu nhất nhưng cũng... khó hiểu nhất. Con đường tìm kiếm chính mình lại là con đường gập ghềnh đòi hỏi bản lĩnh dám đương đầu và trả giá. “Có những bài học chỉ cần học qua sách vở và người đi trước. Nhưng tìm kiếm và xác định vị trí của bản thân không phải là bài học như vậy. Nó chỉ đến khi chúng ta can đảm chấp nhận thất bại và tiêu tốn nhiều thời gian” - ông Trung nói.

Ông Giản Tư Trung đặt câu hỏi: “Các bạn có muốn làm việc lớn không?”, hơn nửa hội trường đồng thanh: “Muốn!”. Nhưng tất cả lại nín khe khi ông nối đuôi bằng câu cắc cớ: “Vậy có ai sẵn sàng bỏ ra vài chục năm để theo đuổi một điều gì đó?”. “Thành công không thể đến với cách nghĩ ăn xổi ở thì” - ông nói.

Sau nhiều phen giật mình thon thót trước những câu hỏi sát sườn, bất ngờ nhưng thú vị, đậm tính gợi mở của ông Trung, cả hội trường lắng lại khi bà Võ Thị Hoàng Yến - giám đốc Trung tâm Khuyết tật và phát triển - bước lên sân khấu bằng cây nạng kim loại. Mềm mại, tự tình, bà kể chuyện mình và nghị lực vươn lên, làm chủ cuộc đời của những người khuyết tật. Đâu đó trong khán phòng, những tiếng sụt sịt khe khẽ chen vào không gian trầm tư khi bà Yến mang đến những bài học giản dị mà tinh tế về niềm tin và hạnh phúc. “Kiểm soát đời mình, gieo vào nó niềm tin và hạnh phúc là điều rất khó. Ngay cả các bạn đẹp đẽ, khỏe mạnh ở đây vẫn băn khoăn mình có thể làm được gì, thì với người khuyết tật điều đó còn khủng khiếp hơn. Nhưng nhiều người tôi biết đã làm được: tìm được hạnh phúc từ bên trong chứ không chạy theo những giá trị ảo mà số đông tung hê” - bà nhắn nhủ.

Đến với chương trình, nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc lại mang đến những chiêm nghiệm rực rỡ về giá trị. Theo anh, nhận thức được giá trị của mình và dùng nó vào đúng chỗ cũng như thả cá vào nước. Thông qua những câu chuyện kịch tính kể về cách anh trụ vững và tỏa hào quang dưới ánh đèn sân khấu, NSƯT Thành Lộc dẫn dắt các bạn trẻ tìm về những giá trị cốt lõi khi đứng trên sân khấu lớn mang tên cuộc đời. “Dốc hết sức, toàn tâm toàn ý cho đam mê vì chính nhu cầu biết mình chứ không phải vì những công nhận mang tính giấy tờ, danh hiệu sẽ cho các bạn biết các bạn là ai” - anh bày tỏ.

Tìm hướng đi cuộc đời

Mục tiêu của đời mình là gì? Làm sao để xác định đúng mục tiêu đó?... là những câu hỏi thường trực của Trần Thị Dễ Thương suốt ba năm nay từ khi tốt nghiệpTrường ĐH Kinh tế TP.HCM năm 2009.

Ông Trung nói để biết mình là ai, mình giỏi cái gì và giỏi đến cỡ nào thì chỉ có cách... lao đầu vào công việc. “Hãy làm việc quên mình, tất nhiên khó có thể làm quên mình cả đời, nhưng ít ra là trong một quãng đời nào đó, nhất là thời tuổi trẻ, để không đánh mất cơ hội khám phá mình là ai. Cơ hội chỉ dồn về những người làm việc hơn sức mình”, ông khuyên. Ông cũng không giấu giếm mình phải trả giá bằng quá trình gian nan “đâm đầu” vào nhiều lĩnh vực từ chính trường, khoa trường cho đến thương trường, để cuối cùng biết được điều mình muốn làm là... giáo dục. “Phải trải qua quá trình khát khao tìm kiếm đến mỏi mòn mình mới biết quý trọng đam mê ấy khi tìm ra”, ông Trung đúc kết.

Chia sẻ với NSƯT Thành Lộc, ông cũng khẳng định xã hội không đánh giá một người bằng danh vị mà bằng chính những gì người đó làm cho cuộc đời. Đưa ra dẫn chứng, ông tự nhận là người hâm mộ kịch Thành Lộc, nhưng “tôi chả quan tâm anh Lộc là NSND hay NSƯT - mà đến hôm nay tôi mới biết ảnh là NSƯT đấy! Tôi chỉ quan tâm đến kịch của anh Lộc thôi!”. Cả hội trường cười vang, vỗ tay tán đồng.

Lê Phương Anh Vũ - SV Trường ĐH Mở TP.HCM - đặt vấn đề với ba diễn giả làm thế nào để người trẻ có thể rút ngắn thời gian tìm kiếm được đam mê của chính mình để dùng thời gian đó vào những việc có ích khác tạo ra giá trị cho xã hội.

Từ kinh nghiệm của bản thân, bà Yến hướng dẫn Vũ hãy ngẫm lại xem có lúc nào đó của cuộc đời khiến mình hạnh phúc, hãnh diện và tự hào về bản thân nhất “thì đó là lúc mình tìm ra xu hướng của chính mình”, bà Yến nói. Bà cũng khuyên bạn trẻ nên dành thời gian tham gia các CLB, đội, nhóm để biết mình phù hợp với lĩnh vực nào mà phát huy.

Mách nước thêm cho bạn trẻ, ông Trung nhắn nhủ mỗi người nên tự trang bị hai cái túi: túi văn hóa (năng lực làm người) và túi chuyên môn (năng lực làm việc).

“Ở đời chỉ cần giỏi làm người và giỏi làm việc là tốt rồi. Đó là tất cả người trẻ cần có để đạt được mọi thứ trong cuộc sống”, ông nhấn mạnh.

(Nguồn : Theo HẢI THI - HỮU CÔNG - tuoitre.vn)

 
TIN TỨC NỔI BẬT
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
12A03, Tầng 12, Khu A, Tòa nhà Indochina Park Tower, Số 4 Nguyễn Đình Chiểu, P. Đakao, Quận 1, Tp. HCM
Hotline: 0935 339 669


 
THÔNG TIN THỊ TRƯỜNG

1