VietnameseKorean

PostHeaderIcon Thành lập AMC: Nhiều ý kiến trái chiều

Nợ xấu ngân hàng đang tăng lên theo từng năm. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu không được xử lý, nó giống như “cục máu đông” làm tắc nghẽn hệ thống ngân hàng và tác động xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Làm cho doanh nghiệp không có vốn sản xuất kinh doanh phải dừng hoạt động, thậm chí tình trạng doanh nghiệp phá sản sẽ tiếp tục gia tăng…


Để khơi thông nguồn vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, Ngân hàng Nhà nước đã có đề xuất thành lập Công ty mua bán nợ quốc gia (AMC) với vốn điều lệ 100 ngàn tỷ đồng, để giải quyết nợ xấu cho các ngân hàng thương mại. Tại Hội thảo “Cơ chế xử lý nợ: Xu hướng thế giới và thực tiễn Việt Nam”, do Viện Chiến lược và Chính sách tài chính phối hợp với Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) thuộc Bộ Tài chính vừa diễn ra, có một số ý kiến cho rằng có nên thành lập một AMC mới, trong khi Việt Nam vẫn đang có một Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) đang nằm ở Bộ Tài chính?

 

Về vấn đề này, ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng: Có rất nhiều số liệu về nợ xấu của các tổ chức tín dụng khác nhau được đưa ra, nhưng chắc chắn nó không dưới 10%. Vì thế, ông Tuyển ủng hộ việc thành lập một định chế xử lý nợ xấu quốc gia mới, hoặc nâng cấp trên cơ sở của DATC. Ông khẳng định nhất thiết, phải có một định chế xử lý nợ xấu quốc gia.
Tuy nhiên, dù là thành lập mới hay trên cơ sở cái cũ thì Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cũng cần làm ngay một Nghị định xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Trong đó quy định những quyền hạn và mức chiết khấu nợ là bao nhiêu để không gây khó khăn cho công ty mua bán nợ và các tổ chức tín dụng. Vì bản thân các tổ chức tín dụng thì muốn bán nợ với giá cao, nhưng công ty mua bán nợ lại muốn mua với giá rẻ để có lãi, nên cần quy định mức chiết khấu phù hợp đối với từng nhóm nợ; Về vốn của Công ty mua bán nợ, trước hết Ngân hàng Nhà nước tạm ứng ban đầu, và phát hành chứng khoán dưới sự bảo lãnh của Ngân hàng Nhà nước để huy động vốn từ các tổ chức cá nhân; Công ty mua bán nợ này không lấy lợi nhuận làm trọng nhưng phải bảo toàn vốn. Vì nếu đặt mục tiêu lấy lợi nhuận làm trọng thì Công ty mua bán nợ sẽ ép giá các tổ chức tín dụng (chủ nợ) và gây khó khăn cho các ngân hàng.
Bà Dương Thu Hương- nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng: Nếu thành lập thêm AMC quốc gia thì DATC là công ty gì? Một quốc gia có cần phải có 2 công ty mua bán nợ hay không? Và liệu có thành lập thì năng lực tài chính của ngân sách nhà nước có chịu thêm được một công ty mua bán nợ thứ 2 nữa không? Do đó, Ngân hàng Nhà nước nên cân nhắc thận trọng và trả lời câu hỏi, AMC là gì, phân tích xem thành lập mới tốt hơn hay trên cơ sở cái cũ tốt hơn.
Theo TS Quách Mạnh Hào – Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng- Đại học Kinh tế- Đại học Quốc gia Hà Nội: Việc thành lập AMC để xử lý nợ xấu, cứu các ngân hàng chẳng khác nào sự bảo lãnh của Chính phủ cho các ngân hàng, mục đích để cho không một ngân hàng nào phá sản. Nếu tôi là một ông chủ ngân hàng thì sự bảo lãnh này là quá lớn, tôi sẵn sàng huy động ở ngoài bằng mọi giá và tôi sẵn sàng không chịu trách nhiệm.
Trước khi bàn đến việc thành lập AMC, theo ông Hào, chúng ta hãy hiểu một chút về hoạt động của các ngân hàng hiện nay. Rất nhiều các ngân hàng thương mại hiện nay hoạt động theo mô hình ponzi. Tức là dùng tiền người này để trả cho người kia, nhiều ngân hàng nhỏ khi đầu tư vào những dự án dài hạn bằng tiền huy động ngắn hạn, bị sa lầy và trở thành nợ xấu. Trong một khoảng thời gian ngắn, các ngân hàng đã tìm cách huy động vốn với lãi suất cao, về bản chất tài sản sinh lời của họ không còn, không có và họ lấy tiền người này trả cho người khác. Vậy với kiểu hoạt động như vậy, chúng ta có nên thành lập một AMC để mua lại nợ xấu cứu các ngân hàng hay không?. Theo tôi, chẳng có lý do gì đến cứu các ngân hàng, vì phát sinh nợ xấu trong quá trình hoạt động là lỗi của ngân hàng.
Còn nếu thành lập AMC vì chúng ta đang quan tâm đến vấn đề người gửi tiền, sợ người dân gửi tiền vào những ngân hàng đó bị mất tiền, tạo ra sự bất ổn liên quan đến vấn đề xã hội. Thì quan điểm của tôi vấn đề này rất rõ ràng là, khi người dân quyết định gửi tiền vào những ngân hàng nhỏ, rủi ro, để được nhận lãi suất cao thì rõ ràng họ đã chấp nhận rủi ro, nên chúng ta không thể bảo lãnh rằng gửi tiền vào ngân hàng nhiều rủi ro, lãi suất cao mà chắc chắn lại không bị mất tiền, như vậy là chúng ta đang khuyến khích những hành vi rủi ro trong nền kinh tế.
Cũng về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đặt câu hỏi: Nếu  thành lập ra Công ty mua bán nợ quốc gia thì ai sẽ là người hưởng lợi? Có phải các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó khăn, hay là các ngân hàng, hay lại các đại gia đang nợ ngân hàng là người được hưởng lợi chính?. Hơn nữa, gánh nặng ở Công ty mua bán nợ quốc gia đó thì ai phải gánh chịu, hay là các ngân hàng khi mà lãi suất cao thì họ được hưởng và có lãi lớn, còn bây giờ khi có những cục nợ xấu thì họ lại đẩy ra cho toàn xã hội phải gánh chịu?.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu năm 2009 khoảng 45.000 tỷ đồng, chiếm 2,5% tổng dư nợ; năm 2010 là 38.000 tỷ đồng, chiểm 2,1% tổng dư nợ; năm 2011 khoảng 78.000 tỷ đồng, chiếm 3,2% tổng dư nợ và đến 3/2012 là 202.000 tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ.

( Theo nguồn : www.ven.vn )


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
최신 뉴스
온라인 지원
12A03, Tòa nhà Indochina Park Tower– 04 Nguyễn Đình Chiểu – Phường Đakao – Q.1 – TP.HCM
Hotline: 0935 339 669


 
스톡

1