VietnameseKorean

PostHeaderIcon Doanh nghiệp Việt khó thu hút vốn ngoại vì thiếu minh bạch,

Đại diện Ủy ban Chứng khoán cho rằng các số liệu kế toán thiếu thống nhất, chưa theo kịp các chuẩn mực quốc tế đang là rào cản lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam khi huy động vốn trên thị trường quốc tế.

Nhận định trên được nêu ra tại buổi công bố và thảo luận về báo cáo "Đặt nhà đầu tư vào trọng tâm hệ thống tài chính" do Grant Thornton và Hiệp hội Kế toán công chứng Anh (ACCA) thực hiện sáng 18/9. Theo các nhà nghiên cứu, một trong những quan ngại lớn nhất của nhà đầu tư khi tìm hiểu về thị trường tài chính cũng như doanh nghiệp Việt Nam là các kết quả sản xuất kinh doanh, kế toán... thiếu minh bạch, không những không theo kịp chuẩn mực quốc tế mà còn không đồng nhất với nhau.




 

Phó vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành (Ủy ban Chứng khoán) - Bùi Hoàng Hải cho rằng doanh nghiệp đang đứng trước áp lực lớn phải thay đổi theo các chuẩn mực kế toán quốc tế. Ảnh: Nhật Minh


Theo đại diện Công ty chứng khoán An Thành, các quy định kế toán tại Việt Nam hiện vẫn cho phép doanh nghiệp được trích lập một số quỹ khen thưởng, phúc lợi... từ phần lợi nhuận sau thuế. "Nếu để ý trên sàn chứng khoán hiện nay có một số doanh nghiệp ngành than công bố lợi nhuận rất cao. Tính ra đầu tư vào cổ phiếu của họ thì chỉ 2 năm là hòa vốn. Nhưng nhìn kỹ hơn sẽ thấy 70% lợi nhuận sau thuế của họ được chia vào 3 quỹ. Chỉ còn lại 30% cho nhà đầu tư. Như vậy kỳ vọng ban đầu là sai cả", Tổng giám đốc Chứng khoán An Thành - Phạm Ngọc Phú lấy ví dụ.

Đồng tình với ví dụ này, bà Đỗ Khánh Vân - Đại diện Công ty quản lý Quỹ Mekong Capital cho rằng việc cho phép doanh nghiệp trích lập như vậy sẽ khiến nhà đầu tư rất khó hình dung kết quả kinh doanh thực tế của doanh nghiệp, cũng như so sánh giữa các đơn vị cùng ngành bởi "mỗi nơi trích một kiểu".

Một ví dụ khác được đích thân Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán & kiểm toán (Bộ Tài chính) - Đặng Thái Hùng đưa ra để minh họa cho kiểu hạch toán "chỉ có tại Việt Nam" là nguyên tắc giá gốc. Theo ông Hùng thì thay vì áp dụng giá thị trường như nhiều nước trên thế giới, hiện chế độ kế toán của nhiều doanh nghiệp vẫn áp dụng theo chuẩn "giá gốc", và các khoản trích lập dự phòng, do đó cũng chỉ căn cứ theo loại giá này.

"Khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, doanh nghiệp Việt Nam có vẻ chịu tổn thất không nhiều như các nước khác. Nhưng nhiều chuyên gia lại cho rằng một nguyên nhân quan trọng là do giá cả chưa được hạch toán theo thị trường", ông Hùng chia sẻ. Tuy vậy, đại diện cơ quan quản lý cũng cho rằng xu hướng áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế là tất yếu, nhưng phải "dần dần" bởi năng lực các doanh nghiệp cũng như cơ quan giám sát hiện chưa thể đáp ứng.

Còn theo ông Bùi Hoàng Hải, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành (Ủy ban Chứng khoán) cho rằng doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước áp lực lớn phải thực hiện theo chuẩn mực chung, tăng cường tính minh bạch khi huy động vốn trên thị trường chứng khoán.

"Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đi huy động vốn quốc tế. Chuyện nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng trả giá cao gấp 3 - 4 lần giá thị trường cũng không phải hiếm. Tuy nhiên, do các báo cáo tài chính vẫn bị coi là thiếu minh bạch nên doanh nghiệp Việt hiện mới chỉ dám huy động tại các thị trường "kém tiếng", chưa dám ra "bảng lớn" như New York hay London...", ông Hải cho biết.

Chia sẻ quan điểm cho rằng các chuẩn mực mới cần được áp dụng "dần dần", phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, nhưng theo bà Lê Thị Hồng Len - Trưởng đại diện ACCA, việc áp dụng cũng cần được tuân thủ một cách nhất quán. "Thời gian gần đây, dư luận để ý đến khá nhiều trường hợp chênh lệch lớn giữa báo cáo tài chính trước và sau soát xét của doanh nghiệp. Điều này cần được thay đổi vì nhà đầu tư luôn cần một bức tranh đầy đủ, chính xác, dù theo chuẩn kế toán Việt Nam hay quốc tế", bà Len nhận định.

Nguồn : www.VnExpress.net


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 
TIN TỨC NỔI BẬT
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
12A03, Tầng 12, Khu A, Tòa nhà Indochina Park Tower, Số 4 Nguyễn Đình Chiểu, P. Đakao, Quận 1, Tp. HCM
Hotline: 0935 339 669


 
THÔNG TIN THỊ TRƯỜNG

1