VietnameseKorean

PostHeaderIcon Nếu chủ đầu tư cố tình giấu, kiểm toán khó phát hiện

Hiệu quả của các dự án đầu tư công luôn là câu hỏi mà Quốc hội, Chính phủ và cả xã hội đặt ra, nhất là khi Chính phủ sẽ đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công năm 2012.

"Nếu chủ đầu tư cố tình giấu, kiểm toán khó phát hiện"

Thậm chí tạm ứng một phần ngân sách năm 2013 cho các dự án đầu tư công nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

Bên lề cuộc hội thảo :”Kiểm toán hiệu quả đầu tư công” do Kiểm toán nhà nước và Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) tổ chức hôm 8-8 tại Hà Nội, TBKTSG Online đã có cuộc trao đổi với bà Hà Thị Thu Thanh, Tổng giám đốc Công ty kiểm toán Deloitte.

Thưa bà, bà đánh giá thế nào về hiệu quả các dự án đầu tư công ở Việt Nam hiện nay và vai trò của kiểm toán đến đâu?

- Bà Hà Thị Thu Thanh: Bản chất của đầu tư công qua nhiều kênh, không chỉ riêng qua doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Có ba thứ phải quan tâm trong một dự án đầu tư: hệ thống quản lý dự án đầu tư công, hiệu quả đầu tư công và giám sát đầu tư công. Ba hệ thống quản lý đã có nhưng rời rạc, rải rác.

Phải xem lại hệ thống chính sách để đánh giá nó có hiệu quả hay không. Hệ tiêu thức đánh giá hiệu quả qua việc: lập kế hoạch đầu tư, phân bổ ngân sách cho dự án và triển khai dự án.

Các dự án đầu tư của nhà nước nói chung dàn trải quá, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư cuối. Có quá nhiều dự án nhưng năng lực triển khai, ngân sách không có, hoặc khi lập ngân sách nhưng chỉ có một phần dựa vào vốn ngân sách đã phân bổ.

Đến khi thực hiện thì giải ngân chậm, thời gian chờ đợi dài, hiệu quả dự án thấp, vốn vay tăng lên đội giá đầu tư khiến thời gian dự án đưa vào sử dụng dài hơn, chi phí cao hơn. Như vậy đánh giá hiệu quả dự án ở khâu nào? Chính phủ phân bổ dự án? Nơi lập dự toán hay nơi triển khai dự toán?

Với dự án của DNNN thì gặp 2 vấn đề: tuân thủ quá trình lập dự toán ra sao và vấn đề tổng vốn ít nhưng đầu tư dàn trải nhiều. Tổng vốn thì chung nhưng trong đó có dự án khác nhau, có dự án đầu tư công, có dự án đầu tư theo chức năng kinh doanh của họ. Nên họ cũng bị lẫn lộn nguồn vốn trong khi mục tiêu dự án khác nhau.

Thường thì kiểm toán chỉ hậu kiểm. Khi họ làm xong hết rồi chỉ vào xem họ chi tiêu có đúng mục đích không, đúng đối tượng không, theo đúng dự toán công trình không. Để nâng cao hiệu quả đầu tư công, dưới góc độ kiểm toán, tôi thấy cần bổ nhiệm kiểm toán ngay đầu dự án, có ủy ban giám sát về vấn đề lập dự toán của các dự án đó ngay từ giai đoạn khởi đầu.

Đầu tư công được thực hiện qua DNNN rất nhiều. Khi tính công khai minh bạch của DNNN chưa được như các doanh nghiệp niêm yết, không phải DNNN nào cũng thuê kiểm toán độc lập. Còn kiểm toán nhà nước không kiểm toán hàng năm. Nếu kết quả kiểm toán có thường mang tính chấp nhận các kết quả kinh doanh, đầu tư, cho dù nhiều dự án đầu tư qua kênh đó đã bị đội vốn, hiệu quả không cao?

- Thực ra DNNN thuộc diện bắt buộc kiểm toán độc lập từ lâu. Bắt buộc kiểm toán báo cáo tài chính, bao gồm kiểm toán hoạt động kinh doanh mang lại hiêu quả và phần sử dụng vốn ngân sách. Đã từ lâu doanh nghiệp không được cấp vốn ngân sách nữa mà chỉ còn vốn chủ sở hữu để kinh doanh và đầu tư. Khi thực hiện các dự án trọng điểm, do nhà nước chỉ định, thì có vốn quyết toán riêng theo dự án.

Riêng vốn công trình đầu tư trong doanh nghiệp dùng vốn ngân sách được cấp từ đầu (vốn chủ sở hữu) thì lẫn trong báo cáo tài chính. Do sự pha trộn này, nên khi kiểm toán đánh giá hiệu quả sẽ khó mà tách bạch.

Vậy vai trò của kiểm toán ở đâu trong việc cảnh báo rủi ro cho doanh nghỉệp, cho chủ sở hữu ?

- Những sai sót trong báo cáo tài chính, kế toán trong phạm vi công việc của kiểm toán soát xét. Nhưng những gian lận thương mại trong quá trình kinh doanh được hợp thức hóa về thủ tục tài chính, thủ tục đầu tư thể hiện trên con số kế toán, bằng soát xét thông thường không phát hiện được. Chênh lệch số liệu kiểm toán với thực tế thua lỗ nhiều khi nằm trong gian lận kinh doanh không thể đối chiếu.

Công luận nhiều khi cứ nhìn gian lận trong báo cáo tài chính, thua lỗ tiềm ẩn và nói kiểm toán có trách nhiệm. Kiểm toán viên không có trách nhiệm được trong những trường hợp đó. Họ làm việc trên hệ thống thông tin được khách hàng cung cấp, đó là hệ thống thông tin kế toán và các số liệu trình bày trên báo cáo tài chính.

Hệ thống kinh doanh đằng sau vượt tầm của kiểm toán độc lập. Tất nhiên kiểm toán có khả năng phát hiện, cảm nhận lờ mờ là không ổn song không có khả năng làm rõ.

Chính phủ đamh đẩy nhanh đầu tư công cho 6 tháng cuối năm. Với thời gian, tốc độ và số tiền giải ngân lớn ước tính hơn 20.000 tỉ đồng/tháng, theo bà phải làm thế nào để sau khi dự án kết thúc, việc kiểm toán không mang ý nghĩa hợp thức hóa những vấn đề đã rồi trong quá trình đầu tư?

- Gốc của vấn đề các dự án đầu tư công là cơ chế điều hành theo ngân sách cứng, nhưng bản thân ngân sách của Việt Nam lại linh hoạt, theo kiểu “ngân sách mềm”. Linh hoạt tạo giải ngân ồ ạt vào cuối năm rồi quyết toán luôn. Đầu năm các dự án cầm chừng hoặc vay vốn để làm rồi cuối năm trả.

Làm như thế, đầu tiên đã ảnh hưởng đến hiệu quả, công trình bị đội chi phí. Nhiều dự án không có khả năng giải ngân, vay vốn, nhưng cuối năm lại ồ ạt giải ngân nên chi tiêu không đúng mục đích, hoặc tạm dùng vốn sai mục đích, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Và nói khác đi thì gốc của nó là đầu tư dàn trải. Kiểm toán vào cũng chỉ có thể “bóc” ra và đề nghị xem lại mà thôi.

Do vậy kiểm toán nên tham gia ngay từ quá trình lập dự toán và trong quá trình triển khai dự án, để xem việc tuân thủ chi tiêu đúng đối tượng, đúng công trình, thay cho xong rồi mới kiểm là tốt nhất, tránh chuyện chi sai rồi chỉ ra cũng đã muộn.

* Xin cảm ơn bà!

( Nguồn: theo  Lan Nhi - TBKTSG)

 
TIN TỨC NỔI BẬT
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
12A03, Tầng 12, Khu A, Tòa nhà Indochina Park Tower, Số 4 Nguyễn Đình Chiểu, P. Đakao, Quận 1, Tp. HCM
Hotline: 0935 339 669


 
THÔNG TIN THỊ TRƯỜNG

1